Nhắc đến bệnh lý vùng hậu môn, chắc hẳn rất nhiều người nghĩ ngay đến trĩ. Đây là căn bệnh mà có tới 20-45% dân số mắc phải. Trĩ gây ra rất nhiều những phiền toái trong sinh hoạt của người bệnh. Do đó, việc phát hiện các dấu hiệu bệnh trĩ thường gặp sẽ giúp điều trị kịp thời hạn chế thấp nhất những tác động xấu mà bệnh gây ra.
Trĩ là bệnh lý có thể gặp ở bất kỳ ai không kể nam hay nữ, bệnh được hình thành do sự giãn quá mức các đám rối tĩnh mạch trĩ ở các mô xung quanh hậu môn. Bất cứ nguyên nhân nào cản trở sự lưu thông máu tại vị trí này đều có thể dẫn đến trĩ.
Tùy theo sự xuất hiện của búi trĩ mà trĩ được chia thành trĩ nội, trĩ ngoại và trĩ hỗn hợp. Trĩ ngoại là tình trạng búi trĩ luôn nằm bên ngoài hậu môn mà không cho vào bên trong được. Trường hợp các xoang tĩnh mạch trĩ trên (trực tràng trên) phồng to, trĩ được hình thành ở trên đường lược sẽ được gọi là trĩ nội. Trĩ hỗn hợp là cách gọi của sự kết hợp giữa trĩ nội và trĩ ngoại.
Bệnh trĩ gây ra nhiều phiền toái cho người bệnh với những triệu chứng hết sức khó chịu như hậu môn ngứa rát, chảy máu khi đại tiện..
Dấu hiệu ban đầu của bệnh trĩ
Nhắc đến căn bệnh khó nói này, chắc hẳn nhiều người thường tự hỏi bị bệnh trĩ có những dấu hiệu gì? Thực tế, những dấu hiệu ban đầu của bệnh trĩ thường xuất hiện trực tiếp tại hậu môn và không khó để nhận biết:
- Hậu môn chảy máu: Đây cũng là dấu hiệu đầu tiên của bệnh. Ban đầu, đó có chỉ là những vệt máu nhỏ dính vào giấy vệ sinh hoặc lẫn trong phân. Khi bệnh nặng hơn, người bệnh có thể cảm thấy máu chảy thành tia như tiết gà khi đại tiện. Nhiều trường hợp cho biết, họ còn thường xuyên chảy máu khi ngồi lâu, đặc biệt nếu cứ ngồi xổm là máu tự chảy. Máu từ búi trĩ chảy ra đông lại tại trực tràng và dẫn tới tình trạng đi đại tiện ra máu dạng cục.
- Sa búi trĩ: Khi đám rối tĩnh mạch xung quanh hậu môn bị giãn quá mức thường xuất hiện tình trạng sa búi trĩ. Tùy theo mức độ trĩ sa mà chia thành 4 mức độ. Trĩ sa độ 1,2 không gây nhiều ảnh hưởng và khó chịu như trĩ sa độ 3, 4.
- Một số triệu chứng khác: Búi trĩ xuất hiện những cục máu đông nhỏ là biểu hiện của tình trạng tắc mạch, người bệnh không thể ngồi trọn vẹn mông trên ghế mà chỉ có thể đặt một bên mông. Ngoài ra, khi bị sa trĩ nghẹt, búi trĩ bị phù nề, sưng to, không thể đẩy vào trong hậu môn được. Bên cạnh đó, trĩ còn dẫn tới nứt kẽ hậu môn làm người bệnh luôn cảm thấy khó khăn, đau rát khi đi đại tiện. Một số trường hợp hậu môn chảy dịch nhầy và luôn cảm thấy ngứa hậu môn và vùng lân cận.
Ngoài tình trạng búi trĩ nằm ngoài hậu môn, da xung quanh khu vực này cũng phồng căng bóng lên do tĩnh mạch quanh hậu môn bị giãn và có thể quan sát thấy màu xanh của các tĩnh mạch này.
Nguyên nhân gây ra bệnh trĩ
Trĩ có thể do nhiều nguyên nhân gây ra. Trong đó, có những nguyên nhân đến từ chính những thói quen sinh hoạt hàng ngày của mỗi người như:
- Ngồi lâu một chỗ: Việc ngồi lâu một chỗ trong thời gian dài khiến cho quá trình lưu thông máu tại hậu môn bị cản trở là nguyên nhân dẫn đến trĩ. Có tới 73% trường hợp các bệnh nhân bị trĩ cho biết họ có thói quen ngồi nhiều. Do vậy, những đối tượng như nhân viên văn phòng, lái xe.. thường có nguy cơ bị trĩ tương đối cao.
- Chế độ ăn uống: Các món ăn cay nóng, thực phẩm nhiều dầu mỡ, các chất kích thích như bia, rượu là tác nhân dẫn tới táo bón và bệnh trĩ ở nhiều người. Do vậy, trong chế độ ăn hằng ngày nên sử dụng nhiều rau xanh và các loại trái cây để giảm nguy cơ mắc trĩ.
- Đi vệ sinh không đúng cách: Nhiều người có thói quen khi đại tiện thường dùng điện thoại hay sách báo mà không biết rằng điều này sẽ khiến phân tâm khi đại tiện, làm tăng gánh nặng hậu môn, giảm máu tĩnh mạch xung quanh hậu môn dẫn tới trĩ.
- Táo bón: Đây là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn tới bệnh trĩ. Táo bón làm cho các cơ xung quanh hậu môn phải chịu áp lực rất lớn mỗi lần đại tiện và khiến cho áp lực trong ổ bụng, trực tràng và ống hậu môn tăng cao, khiến tĩnh mạch bị phình, giãn, gây nên trĩ.
Từ những nguyên nhân trên, có thể thấy bệnh trĩ có thể được phòng ngừa hiệu quả nếu như mỗi người chú ý hơn tới chế độ ăn uống và sinh hoạt. Hạn chế đồ ăn cay nóng, các chất kích thích, không ngồi quá lâu, tạo thói quen đi vệ sinh đều đặn.. đều là những biện pháp đơn giản giúp “tránh xa” bệnh trĩ hiệu quả.
Việc tìm hiểu những thông tin về dấu hiệu và nguyên nhân gây bệnh trĩ không chỉ giúp mỗi người có thêm kiến thức về căn bệnh khó nói này mà còn là cách để mỗi người tự bảo vệ sức khỏe bản thân. Trường hợp phát hiện mình có những dấu hiệu của bệnh trĩ thường gặp, hãy chủ động thăm khám để điều trị hiệu quả trong thời gian ngắn nhất.