“Trúng gió” là một trong những căn bệnh thường gặp khi thời tiết lạnh, sương giá hoặc lúc nắng nóng, mưa gió… Nhiều người thường cho rằng vấn đề này không quá nguy hại, chỉ cần nghỉ ngơi và sử dụng thuốc là sẽ hết. Tuy nhiên trên thực tế, hiện tượng “trúng gió” có thể gây ra nhiều ảnh hưởng xấu đối với sức khỏe, thậm chí là đe dọa tình mạng của con người. Vậy bị “trúng gió” nên làm thế nào, có nguy hiểm không?
Trúng gió là gì?
Theo quan niệm dân gian, trúng gió nghĩa là bị “gió độc” xâm nhập vào cơ thể gây ra một hoặc nhiều triệu chứng như mỏi mệt, sốt, nhức đầu, buồn nôn, nôn, đau bụng, nhức mỏi tay chân… Tuy nhiên, theo khoa học hiện tượng này chính là bệnh cảm, xảy ra do các yếu tố thời tiết nắng, mưa, gió, lạnh, sương giá… tác động vào cơ thể một cách đột ngột khiến khí lạnh xâm nhập vào cơ thể qua lỗ chân lông và đường hô hấp.
Bất cứ ai cũng có thể bị trúng gió, nhất là những người có sức đề kháng yếu, trẻ nhỏ và người già. Những người có tiền sử hạ đường huyết, hạ huyết áp cũng rất dễ mắc phải chứng bệnh này.
Nguyên nhân gây ra tình trạng “trúng gió” được cho là do hệ thần kinh đối giao cảm hoạt động quá mức, tim đập chậm lại, mạch máu giãn nở ra, huyết áp hạ xuống. Biểu hiện của người bị trúng gió thường gặp là bề ngoài đang bình thường đột nhiên chóng mặt, choáng váng, kèm theo tình trạng ớn lạnh ở gáy, sống lưng, tay, chân; nhức đầu, chóng mặt, chảy nước mũi, đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy.
Trúng gió có nguy hiểm không?
Bất cứ ai trong chúng ta đều có khả năng bị “trúng gió”, nhưng hầu hết mọi người đều cho rằng căn bệnh này không quá nguy hiểm. Trên thực tế, việc “trúng gió” là do khí độc từ bên ngoài xâm nhập vào cơ thể, loại khí này nếu để tích tụ lâu ngày sẽ làm suy yếu hệ miễn dịch của cơ thể, từ đó kéo theo sức khỏe từ từ suy giảm.
Đối với những người có thể trạng không tốt, tình trạng “trúng gió” sẽ được biểu hiện ngay lập tức qua các triệu chứng như cứng cổ, cứng vai gáy, chóng mặt, đau nửa đầu, buồn nôn, chân tay lạnh, sốt… làm ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt thường ngày, khiến cơ thể luôn trong tình trạng mệt mỏi, khó chịu. Đặc biệt, bệnh “trúng gió” cần được điều trị triệt để bởi nó dễ để lại các di chứng tiềm tàng cho phong thấp, tê thấp, mất khả năng đề kháng về sau. Nguy hiểm hơn, một số trường hợp “trúng gió” có thể bị hôn mê, tai biến mạch máu não (đột quỵ) với khả năng tử vong cao.
Chính vì thế, bất kể khi nào nhận thấy cơ thể bị “trúng gió”, dù nặng hay nhẹ, mọi người không nên chủ quan mà phải dùng phương pháp hợp lý và an toàn để kịp thời đào thải hết khí độc ra khỏi người.
Bị trúng gió nên làm thế nào?
Không khó để khắc phục tình trạng “trúng gió”, tuy nhiên việc áp dụng phương pháp nào cần phụ thuộc vào mức độ nặng nhẹ của bệnh. Các chuyên gia y tế cho biết, với những trường hợp bị “trúng gió” nhẹ, các biểu hiện không quá nghiêm trọng thì có thể tự chữa tại nhà. Tuy nhiên với những trường hợp nặng thì cần đến các cơ sở y tế để được bác sĩ thăm khám và chỉ định phương pháp chữa trị phù hợp.
Hiện nay, việc điều trị tình trạng “trúng gió” có thể áp dụng bằng cả Tây y và Đông y, cụ thể:
+ Đối với Tây y:
– Khi bị trúng gió, người bệnh có thể sử dụng một số loại thuốc cảm như paracetamol, paradol.. để khắc phục các triệu chứng bệnh. Tuy nhiên, cần tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ có chuyên môn.
– Bổ sung vitamin C cũng là cách thức giúp khắc phục các triệu chứng của bệnh cảm bởi loại vitamin này có công dụng tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.
+ Đối với Đông y:
– Sử dụng phương pháp cạo gió ở vùng cổ, bụng, lưng, chân, tay hoặc hút giác. Tuy nhiên, biện pháp này không được sử dụng đối với người cao huyết áp, phụ nữ mang thai…
– Uống trà gừng, uống nước gừng tươi giã nát để làm ấm cơ thể.
– Xông hơi là một phương pháp hiệu quả đối với những người bị “trúng gió” bởi cách làm này sẽ giúp người bệnh bài tiết triệt để khí độc qua đường mồ hôi.
– Đối với những người bị “trúng gió” bất tỉnh thì nên tác động vào huyệt nhân trung (nằm nằm ngay dưới gốc mũi) ở vị trí 1/3 trên của rãnh nhân
– Bệnh nhân bị “trúng gió” nên nằm đầu thấp hơn chân (để tăng lượng máu nuôi dưỡng não), để tư thế nằm nghiêng đầu sang một bên (tránh tụt lưỡi hoặc hít phải chất nôn vào phổi), đắp chăn ấm, tránh gió lùa.
– Cho ngửi tinh dầu, xoa dầu vào huyệt nhân trung…
– Khi bệnh nhân tỉnh táo hoàn toàn có thể ăn cháo hành, tía tô để làm ấm cho cơ thể.
Tuy nhiên, các bạn cũng cần chú ý, việc sử dụng thuốc Tây y sẽ giúp hỗ trợ khắc phục nhanh các triệu chứng “trúng gió”, tuy nhiên nó không thể giải quyết triệt để nguyên nhân gây bệnh. Đặc biệt, nếu lạm dụng quá nhiều loại thuốc này sẽ khiến cho sức đề kháng yếu đi, cơ thể bị mất phản ứng với thuốc hoặc gặp phải tác dụng phụ. Còn với các phương pháp Đông y, nếu trong trường hợp các triệu chứng không thuyên giảm, người bị bất tỉnh không tỉnh lại thì nên di chuyển ngay đến các cơ sở y tế để tránh nguy hiểm đến tính mạng.
Cách phòng tránh trúng gió
Có thể nhận định rằng tình trạng trúng gió có thể dẫn tới nhiều nguy hại cho sức khỏe, chính vì vậy, bản thân mỗi chúng ta nên chú ý đến việc phòng tránh tình trạng này bằng việc chú ý những vấn đề sau:
– Xây dựng chế độ ăn uống khoa học, bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng để tăng sức đề kháng cho cơ thể.
– Ngày lạnh trước khi ra đường nên đội mũ che tai, quàng khăn để tránh gió lùa vào tai, cổ, giữ ấm đôi bàn chân.
– Khi ngồi trong phòng điều hòa, cần tránh luồng khí lạnh phả ra từ phía sau.
– Nên thường xuyên vận động vai, gáy, cổ để máu huyết lưu thông.
– Khi ngủ dậy nên nằm trên giường 5 phút cho tỉnh hẳn trước khi xuống giường…
– Nên tăng cường thể dục thể thao để tăng sức để kháng cho cơ thể.
– Vào mùa lạnh khi tắm rửa cần tránh nơi có gió lùa, lau người khô nhanh để không bị mất nhiều nhiệt và nhiễm lạnh.
Nguồn: http://doctor3x.com/