Thuốc lợi tiểu có tác dụng đào thải muối, nước ở thận, giúp giảm lượng nước trong hệ thống tuần hoàn cũng như nhiều nơi khác trong cơ thể. Việc sử dụng thuốc lợi tiểu thường được chỉ định trong các trường hợp tăng huyết áp, suy tim hoặc bị phù do các bệnh về phổi (phù phổi), gan (xơ gan), thận (hội chứng thận hư)…
Bị lợi tiểu nên dùng thuốc gì?
Hiện nay, trên thị trường có nhiều loại thuốc lợi tiểu, tuy nhiên, các bác sĩ khuyên người bệnh dùng một số loại như:
– Nhóm thuốc lợi tiểu thiazid: Gồm các loại thuốc như indapamid, hydroclorothiazid…tác động ở ống lượn xa nằm ở vỏ thận. Thuốc ức chế sự tái hấp thu natri làm tăng bài tiết muối, giúp gây thải nước tiểu. Nhóm thuốc này thường được áp dụng trong điều trị tăng huyết áp. Biến chứng có thể gặp là hạ kali.
– Nhóm thuốc lợi tiểu tác động ở quai Henlé: Gồm các loại thuốc flurosemid, acid ethacrynic…tác động ở nhanh trên quai henlé nằm trên vùng tủy quả thận. Thuốc có tác dụng lợi tiểu rất mạnh, làm mất natri nhanh hơn nhóm thiazid, thường được dùng trong trường hợp suy tim, phù nặng. Biến chứng có thể gặp là hạ kali.
– Nhóm thuốc lợi tiểu tiết kiệm kali: Gồm các loại thuốc spironolacton, triamteren…tác động ở đoạn cuối của ống lượn xa nằm ở vỏ thận. Thuốc có tác dụng lợi tiểu khá yếu nhưng do có khả năng giữ kali nên thường được kết hợp sử dụng cùng với nhóm thuốc thiazid hoặc lợi tiểu quai henlé. Biến chứng có thể gặp là gây tăng ure máu, sỏi thận, chứng to vú ở nam giới…
Xem thêm: Đi tiểu buốt, tiểu rát: Nguyên nhân biến chứng và cách điều trị
Thuốc lợi tiểu thường được sử dụng trong trường hợp nào?
Thuốc lợi tiểu có tác dụng làm giảm lượng nước trong hệ thống tuần hoàn cũng như trong không gian bào. Thuốc lợi tiểu thường được sử dụng trong điều trị một số bệnh lý như:
– Bệnh tăng huyết áp: Thuốc làm tăng đào thải nước tiểu, làm giảm khối lượng nước trong cơ thể, từ đó gián tiếp hạ huyết áp.
– Suy tim: Thuốc lợi tiểu có thể làm giảm khối lượng máu lưu thông, giảm tiền gánh, tạo điều kiện cho tim đã bị suy yếu hoạt động ổn định trở lại.
– Bị phù: Thuốc lợi tiểu giúp đào thải lượng nước bị ứ trong cơ thể do bị các bệnh về phổi (phù phổi), gan (xơ gan), thận (hội chứng thận hư)…
Một số tác dụng phụ của thuốc lợi tiểu
Nếu tự ý sử dụng thuốc lợi tiểu hoặc thay đổi nhóm thuốc trong điều trị các bệnh, thì người bệnh có thể đối mặt những tác dụng phụ như:
– Rối loạn điện giải: Người bệnh sẽ có cảm giác mệt mỏi, chuột rút, chướng bụng…và dễ nhiễm độc digoxin.
– Tăng đường máu: Sử dụng thuốc lợi tiểu có thể khởi phát bệnh đái tháo đường, bệnh đái tháo đường nghiêm trọng thêm, vì làm giảm kali trong máu, gây rối loạn dung nạp glucose ở ngoại vi, giảm bài tiết insulin từ tụy.
– Tăng acid uric máu: Người bệnh thường đối mặt các cơn gút cấp hoặc bệnh gút nghiêm trọng hơn.
– Gây ù tai, điếc: Nhóm thuốc lợi tiểu quai furosemid, acid etacrynic liều cao kéo dài, nhất là người già, người mất nước, suy thận…có thể gây tổn thương dây thần kinh số 8, gây điếc vĩnh viễn.
– Rối loạn xét nghiệm: Thuốc lợi tiểu có thể gây rối loạn các xét nghiệm chức năng gan, xuất hiện chứng vàng da.
– Bên cạnh đó, việc tự ý phối hợp các loại thuốc lợi tiểu có thể gây tụt huyết áp, đông máu…
Vì vậy, để tránh những tác dụng phụ không mong muốn, các bạn tuyệt đối không tự ý mua thuốc lợi tiểu. Tuyệt đối tuân thủ chỉ định của bác sĩ trong điều trị các bệnh huyết áp, suy tim, phù…khi kết hợp sử dụng thuốc lợi tiểu để đảm bảo an toàn, hiệu quả.